Giới thiệu về lễ hội đền Đông Cuông

Thảo luận trong 'Du lịch Tây Bắc Bộ' bắt đầu bởi Hạ Băng, 18/1/16.

  1. Hạ Băng

    Hạ Băng Level 1

    Bài viết:
    21
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    31
    Đền Đông Cuông được xem là ngôi đền linh thiêng bậc nhất của tỉnh Yên Bái. Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, người dân khắp cả nước lại kéo về để hòa mình vào lễ hội đền Đông Cuông, dâng hương, vãn cảnh, cầu nguyện một năm mới nhiều may mắn và tài lộc.

    [​IMG]
    Đền Đông Cuông, nơi diễn ra các nghi thức của lễ hội.

    Đền Đông Cuông thuộc địa phận xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đây là một ngôi đền linh thiêng thờ Mẫu Thượng Ngàn cùng các vị anh hùng dân tộc thiểu số trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông đời Trần. Hàng năm, cứ vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng, nơi đây diễn ra lễ hội đền Đông Cuông, thu hút hàng trăm du khách thập phương đến tham gia và dâng hương cầu an.

    Theo truyền thống, lễ hội đền Đông Cuông sẽ được mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu và các vị Thần vệ quốc. Thời khắc đầu tiên của ngày Mão đầu năm chính là thời điểm chính thức diễn ra lễ tế này. Trâu được chọn phải là trâu đực trắng, to khỏe và được tuyển chọn rất kỹ lưỡng. Đến giờ thiêng, ông mo bước từ cung cấm ra cùng với các giai chay và dân làng làm lễ tế, tiến hành các bước của lễ hiến sinh cầu cho linh hồn của những anh hùng đã hi sinh ở thác Ghềnh Ngai trong cuộc chiến chống Nguyên Mông.

    Sau khi lấy 9 chén tiết trâu xuống bến sông để tế, trâu được thui và được chủ tế dâng lên cầu mưa thuận gió hoà mùa màng tốt tươi, người dân khoẻ mạnh, làm ăn phát tài… Sau khi hoàn thành những nghi thức của lễ tế, trâu được đem chế biến thành nhiều món ăn để thết đãi những du khách đến đền làm lễ.

    [​IMG]
    Nghi thức rước Mẫu sang sông trong lễ hội đền Đông Cuông.

    Tiếp theo lễ mổ trâu là lễ rước Mẫu sang sông. Đây là một trong 3 nghi lễ chính của lễ hội đền Đông Cuông. Nghi lễ này bắt đầu vào lúc 8h sáng. Tượng Mẫu được rước sang sông bằng chiếc bè lớn làm bằng nứa dại. Tượng được đưa sang tới miếu Ghềnh Ngai thăm Đức ông, làm các nghi thức tế lễ sau đó được rước về đến lúc 10 giờ. Lúc này, hàng ngàn du khách thập phương và người dân bản xứ sẽ lần lượt dân hương, cầu may mắn, an lành.

    Sau tất cả những nghi lễ là đến phần hội, cũng là phần sôi động nhất của cả lễ hội đền Đông Cuông. Các hoạt động thi đấu thể thao, những hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm giá trị truyền thống, các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, ném còn, chọi gà,… đã góp phần mang lại không khí vui tươi và phấn khởi cho lễ hội xuân của vùng thượng lưu sông Hồng.

    Trong những ngày xuân tươi đẹp của đất trời, du khách thập phương lại đổ về Yên Bái không chỉ để tận hưởng không khí trong lành và cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc mà còn để tham dự lễ hội đền Đông Cuông, cầu an, cầu may. Đây là một lễ hội mang đậm nét văn hóa tâm linh và khơi dậy truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc.
     

Chia sẻ trang này