Chứng kiến sập cầu trên đường qua đèo Hải Vân, nước trút dữ dội từ triền núi xuống đèo cuốn phăng nhiều ôtô là những điều ám ảnh hướng dẫn viên và tài xế tour Xuyên Việt. Anh Trần Thanh Hiếu là hướng dẫn viên nói tiếng Pháp và tiếng Anh có 20 năm kinh nghiệm trong nghề. Năm 2000, anh dẫn một đoàn khách đi tour xuyên Việt 18 ngày. Đến gần dãy núi Bạch Mã đoạn có đèo Hải Vân, xe của anh gặp phải mưa lũ lớn. Một cây cầu dài 13 mét nằm trên đoạn đường này bất ngờ gãy sập. Các đoàn xe từ Bắc vào Nam và ngược lại phải kẹt lại đây một ngày một đêm. Trước khi khởi hành từ Hội An vào Huế, công ty du lịch và nhà xe đã xem xét các tình huống. Tuy nhiên, mưa to gió lớn xảy ra không lường trước được mức độ. Anh Hiếu cố gắng trấn an khách bằng những câu chuyện hài hước dí dỏm, thu hút họ vào câu chuyện để quên đi những gì đang diễn ra trước mặt. Trên xe lúc này chỉ còn một vài chai nước suối, không còn thức ăn. Không để khách phải mệt thêm nữa, anh quyết định xuống xe chạy bộ đi tìm xe ôm, chở đến thị trấn gần nhất để mua bánh mì, trái cây, nước suối, hay tất cả những gì có thể mua được để mọi người lót dạ qua đêm. Anh còn nhớ giá cả khi đó rất đắt. Sau đó, anh báo cáo tình huống cho công ty được rõ. Đèo Hải Vân nằm trên quốc lộ 1A nên việc nối nhịp cầu phải thực hiện nhanh chóng để xe lưu thông hai chiều. Anh Hiếu chia sẻ, điều đầu tiên làm anh ám ảnh đó là nước trút dữ dội từ dãy núi Bạch Mã xuống đèo Hải Vân cuốn phăng một số ô tô dưới chân đèo. Điều ám ảnh nữa với anh là những gương mặt ngơ ngác, sợ sệt của du khách. Không còn cách nào khác, mọi người đều phải nghỉ lại trên xe dù biết rằng không ai ngon giấc. Trong cái rủi còn cái may, tất cả là nhờ có bác tài giàu kinh nghiệm và bản lĩnh, anh Hiếu kể. Khi phát hiện sập cầu, tài xế lui xe vào bãi đất trống an toàn, tiếp đó dùng những cục đá lớn kê chắc bánh xe cho xe không bị trượt. Về chương trình tham quan, du khách đã mất một ngày một đêm trên đèo. Đến Huế, du khách không thể đi thuyền trên sông Hương được vì mực nước đang dâng cao. Tuy du khách không thể tham quan đầy đủ các điểm trong chương trình, nhưng bù lại được thưởng thức cơm cung đình Huế, sắm vai các nhân vật triều Nguyễn trong các bộ hoàng phục. Họ dường như quên đi nỗi sợ và cảm thông khi một số điểm tham quan dịch vụ không thực hiện được do mưa lũ. Anh Phạm Thiện Vũ, một trong những hướng dẫn viên từng dẫn tour Xuyên Việt. Anh Phạm Thiện Vũ, hướng dẫn viên tiếng Anh gần 16 năm kinh nghiệm cũng khó mà quên được tour Xuyên Việt mà anh đã cùng đoàn cựu chiến binh trải qua năm 2002. Trên đoạn đường từ Nha Trang đến Quảng Ngãi, anh chứng kiến gió lốc thổi mạnh làm một con bò ngã ngửa ra giữa đường. Quốc lộ 1A lênh láng nước, bên trái là núi, bên phải là biển. Lúc này, anh trấn an mình trước sau đó mới trấn an khách. Anh cùng tài xế bàn bạc cách vượt qua tình huống tiến không được, lùi cũng không xong. Cuối cùng, cả hai quyết định đưa đoàn đi tiếp. Tuy vậy, để tránh xe bị trượt bánh vì mặt đường trơn trượt, tài xế quyết định xì một phần hơi trong bánh xe. Cả hai hy vọng, mặt bằng bánh xe sẽ giữ ôtô đi qua được khu vực này dù tốc độ không thể nào nhanh được. Trước khi khởi hành, dự liệu trước thời tiết phần nào, anh đã mua chuối và bánh mì ở Nha Trang cho khách. Thông thường, đoàn chỉ mất khoảng 7 tiếng đi từ Nha Trang đi Quảng Ngãi, nhưng lần này phải mất 13 tiếng. Cả đoàn khởi hành lúc gần 6h sáng nhưng mãi đến 10h đêm mới về đến khách sạn. Anh kể, lúc ấy cả đoàn dường như sợ gió hơn là sợ nước vì gió thổi rất mạnh có thể làm xe lật bất cứ lúc nào. Nhìn những gương mặt tái đi vì lạnh và sợ, đồ ăn nguội ngắt, anh Vũ, lúc ấy 24 tuổi, thương khách vô cùng. Khi tiễn đưa đoàn khách về nước, họ ôm chặt anh khóc nức nở. Đó là những kỷ niệm khó phai nhòa trong tâm trí một hướng dẫn viên du lịch, anh chia sẻ. Theo VnExpress