Vài tấm ảnh được chia sẻ nhiều trong các bài viết về điểm ngắm hoa dã quỳ tháng 10 ở Đà Lạt bị phát hiện là ảnh chụp tại các thung lũng ở Khun Yuam, tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan. Hai bức ảnh hoa dã quỳ Thái Lan bị gắn nhầm mác Đà Lạt. Nhiếp ảnh gia Trần Đình Khánh (Đà Lạt) khẳng định khung cảnh này không có ở Đà Lạt, mà chỉ là "ảnh minh họa". Anh nói: “Hoa dã quỳ Đà Lạt không mọc tràn lan từ đồi này sang đồi khác, vàng rực như trong hình”. Theo anh, ở Việt Nam, hoa dã quỳ mọc ở đâu cũng thấy lác đác bóng dáng cây, người dân đi xem đi bằng xe máy, không có hình ảnh ôtô xếp hàng dài. Đồng quan điểm, nhiếp ảnh gia Trương Ngọc Thụy lâu năm gắn bó với loài hoa này cũng cho rằng hai bức ảnh trên không thuộc Đà Lạt. Anh nói: “Dã quỳ Đà Lạt dù nở rộ cũng có lá màu xanh, chứ không chỉ có một màu vàng rực”, anh cho biết. Nhiều người Đà Lạt phản pháo chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, vì lo du khách sẽ thất vọng nếu đến xứ ngàn hoa mong tìm được hình ảnh nhầm lẫn kia. Một phượt thủ lão luyện giấu tên cho biết: “Tôi chưa có dịp đến vùng hoa dã quỳ miền Bắc Thái Lan, nhưng đã biết đến nơi này cách đây 2 năm. Những hình ảnh con đường chạy xung quanh nguyên quả đồi như ảnh trên là đặc trưng của Thái Lan. Những ai từng đi ngắm dã quỳ Đà Lạt, thậm chí ở Gia Lai, xa hơn nữa là Ba Vì, chắc chắn không tìm đâu ra hình ảnh như vậy. Việt Nam cũng có cả quả đồi, nhưng không có đường nhựa xe chạy giữa các đồi hoa dã quỳ”. Một góc dã quỳ Đà Lạt nở rộ năm 2015. Ảnh: Phước Bình. Thông tin thêm về mùa hoa dã quỳ Đà Lạt 2016 Một số phượt thủ, nhiếp ảnh gia ở Đà Lạt cho biết, dã quỳ năm nay đã bắt đầu ra hoa, khoảng 3 tuần nữa sẽ nở rộ. Dưới đây là một số cung đường ngắm và săn hoa lý tưởng ở Đà Lạt sắp tới. Cung 1: Đà Lạt - Sân Bay Cam Ly - làng hoa Vạn Thành, thị trấn Tà Nung - Thác Voi - Núi Langbiang. Cung 2: Trại Mát - Cầu Đất - Thị Trấn Dran. Cung 3: Đà Lạt - Liên Khương - Nam Ban- Tà Nung - Đà Lạt. Cung 4: Đà Lạt - Cầu Đất - Đ'Ran - Đơn Dương - đồi thông Châu Sơn - Phi Nôm - Tu Tra - Đà Lạt. Theo Zing