Chiêm ngưỡng đỉnh Everest kiêu kỳ từ máy bay

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi Tâm Tuệ, 29/7/16.

  1. Tâm Tuệ

    Tâm Tuệ Guest

    Bài viết:
    358
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    31
    Đỉnh Everest là địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch đến Nepal. Vì vậy, dịch vụ chiêm ngưỡng địa danh này từ trên máy bay rất phát triển và hoạt động chuyên nghiệp.

    Chỉ cần nói đến Mountain Flight, tất cả các khách sạn, các hãng lữ hành ở thủ đô Kathmandu (Nepal) đều có thể cung cấp dịch vụ tận tình, từ khâu đưa đón khách sạn tới sân bay, đón trở về khách sạn.

    Bay cho tới khi thấy núi

    Quy trình đăng ký một chuyến bay rất nhanh chóng, từ bất cứ một khách sạn nào ở Thamel - khu phố Tây của Kathmandu. Mặc dù cảnh báo trước là thời tiết hiện tại (tháng 7) là mùa mưa, không phải đẹp nhất để ngắm núi, hãng hàng không cam kết sẽ bay cho đến khi chúng tôi nhìn thấy trọn vẹn các đỉnh cao nhất quanh thung lũng Kathmandu.

    Nếu mây quá nhiều hoặc trời mưa, chúng tôi sẽ được sắp xếp bay vào các ngày hôm sau. Nếu đến khi rời Nepal mà vẫn không ngắm núi thành công, chúng tôi sẽ được hoàn trả 100% tiền vé. Mỗi ngày, các hãng chỉ bay một chuyến sáng sớm.

    5h, lái xe taxi đã chờ chúng tôi trước cửa khách sạn. Vác bộ mặt thiếu ngủ, tôi bước vào sân bay nội địa Tribhuvan Kathmandu - một trong những sân bay bị đánh giá tệ nhất thế giới.

    Điểm đặc biệt ở đây là khỉ hoang chạy tung tăng trên các cửa kính nóc nhà chờ sân bay, và chẳng ai có ý định đuổi chúng. Sân bay tuy bé, cũng phải mất chừng 20 phút cho tất cả các thủ tục an ninh thông thường này.

    Khi chúng tôi đến, có một đoàn khá đông đang qua cửa an ninh để bay đến Lukla - chuẩn bị hành trình chinh phục Everest Base Camp. Nhìn các thành viên leo núi chuyên nghiệp, hành trang lỉnh kỉnh lều trại, tôi tự an ủi thôi cỡ chơi bời nửa mùa như mình cũng chỉ cần nhìn đỉnh Everest cũng thỏa mãn rồi.

    Thời gian cất cánh dự kiến là 6h30, nhưng chúng tôi phải đợi tới gần 8h mới có lệnh ra máy bay. Trông trời trông đất trông mây, hóa ra không chỉ dùng trong việc trồng cấy, mà còn nên áp dụng cả cho du lịch. Chúng tôi phải đợi cho máy bay thử trước, đạt yêu cầu ngắm cảnh rồi mới quay về đón khách.

    [​IMG]
    Một đoạn núi tuyết.

    Máy bay cho Mountain Flight thường là loại The Beechcraft 1900C, hoặc ATR 42, chỉ có 20 chỗ. Tuy nhiên các hãng đều chỉ bán các ghế ngồi cạnh cửa sổ, đảm bảo mọi hành khách có thể quan sát phía ngoài.

    Trước khi cất cánh, tất cả khách được mời ăn kẹo, kèm theo 2 bông bịt tai, đề phòng bị sốc độ cao. Tôi ngồi ghế số 4, phía bên trái máy bay, mà theo như lời giới thiệu là bên trái sẽ nhìn thấy núi trước.

    Bay chừng 10 phút, dãy núi tuyết bắt đầu xuất hiện phía xa xa, gần như chìm trong làn mây dày đặc. Mọi người bắt đầu trầm trồ, bấm máy ảnh liên tục. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, mây kéo đến, chả mấy chốc đã kín đặc xung quanh.

    Sau hơn một tiếng trên trời mà trời đất vẫn mịt mờ, máy bay đành hạ cánh. Tất cả hành khách buồn thiu nhìn nhau.

    Vậy là ngày mai, chúng tôi sẽ lại phải quay lại chờ chuyến bay tiếp theo, hoặc chấp nhận nhận lại tiền, đi về và bỏ qua núi tuyết. Mức độ may rủi khi ngắm núi này là lý do khiến giá vé cho một chuyến Mountain Flight lên tới gần 200 USD - một mức khá cao so với mặt bằng giá cả ở Nepal.

    Everest kiêu hãnh

    [​IMG]
    Đỉnh Everest giữa dãy Himalaya.

    Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục dậy từ 5h, bụng đói meo, vạ vật ở sân bay Kathmandu chờ đợi. 8h, bảng hiệu vẫn nhấp nháy: “Mountain Flight - Đợi thời tiết cho phép”.

    Trời lại có vài hạt mưa, mây kéo về tối sầm. Tôi thở dài quay sang cô bạn: “Chắc lại phải chuyển ngày tiếp theo rồi”. 8h30, loa thông báo chúng tôi ra máy bay. Lần này, quá nửa là người mới bay lần đầu tiên. Biết chúng tôi đã bay đến lần thứ hai, tất cả đều tỏ ý kinh ngạc và ngần ngại.

    Viễn cảnh đợi chờ quả không mấy dễ chịu. Thời tiết xem chừng còn tệ hơn hôm trước, mây mù vần vũ, đến nhà cửa Kathmandu còn nhìn không rõ, nói gì núi tuyết trên cao hơn.

    Nhưng đừng đùa với Himalaya. Khi cất cánh, trời mịt mù, nhưng khi đạt độ cao ổn định, cửa buồng lái bật mở. Khách vỡ òa, vì buồng lái mở tức là từ buồng lái có thể nhìn thấy núi. Theo như lịch trình, buồng lái sẽ mở suốt hành trình để từng người trên máy bay có thể vào, và nhìn núi tuyết ngay trước mặt, qua sự hướng dẫn của cơ phó. Lúc này, mây dần dần biến mất, thay vào đó là dãy núi tuyết sáng rỡ.

    Máy bay bay theo hướng mặt trời mọc. Đỉnh Gosaithan 8.013 m hiện ra đầu tiên từ bên trái. Chếch một chút là Lakpa, được miêu tả như một số 8 nằm ngang, rồi đến Phurbi-Ghyachu. Đỉnh Choba-Bhmare xuất hiện ngay sau đó, đỉnh núi thấp nhất trong cả dãy, cao 5.933 m.

    Thêm vài phút, đỉnh Cho-Oyu, đỉnh núi cao thứ 6 trên thế giới - 8.201 m xuất hiện. Tôi bước vào khoang lái đúng lúc máy bay nghiêng cánh lượn vòng quanh đỉnh Everest - điểm cao nhất thế giới 8.848 m. Tiếng Nepal gọi Everest là Sagarmatha - Thiên Đỉnh, còn trong tiếng Tạng là Chomolung ma - Đỉnh núi mẹ.

    Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy núi tuyết gần như vậy, dù chỉ là qua cửa kính máy bay. Himalaya được xem là dãy núi trẻ nhất và mong manh nhất trên thế giới. Hàng năm chúng vẫn cao thêm vài mm, và dịch chuyển vài mm nữa. Chúng cũng là rặng núi dễ đứt gãy nhất khi có những ngoại lực tác động từ sự vận động của vỏ trái đất.

    Nhưng ở đây, vượt lên trên cả những đám mây, cho dù vào một ngày không hẳn đẹp trời, chúng vẫn ngạo nghễ và tỏa sáng theo đúng nghĩa đen. Màu trắng tuyết khiến chúng có được thứ lấp lánh tuyệt hảo. Nhất là từ cửa sổ buồng lái, toàn bộ đỉnh núi gần như rực sáng một cách bất ngờ.

    Trong vòng 30 phút, chúng tôi bay qua hai trong số 4 đỉnh núi hiếm hoi có thể quan sát từ ngoài trái đất (Cho-Oyu, Everest, Lhotse, Makalu). Tôi đang thực sự bay giữa trùng điệp của dãy Himalaya.

    [​IMG]
    Uống champagne ăn mừng trên máy bay.

    Ngày hôm trước, khi chuyến bay không thành công, chúng tôi đã định bỏ cuộc và trả vé. Anh bạn người Nepal dọa rằng đã từng có người phải bay đi bay lại liên tục cả một tuần mới có thể nhìn thấy đỉnh Everest. Nghĩ tới cảnh cứ 5h sáng lại chờ đợi ở sân bay, và mất gần như nửa ngày cho việc bay lượn, tôi đã thấy nản. Thế nên bây giờ, tôi thở phào, vì may mình không bỏ cuộc sớm.

    Kết thúc hành trình Mountain Flight, chúng tôi được tiếp viên mời một ly champagne ăn mừng ngay trên máy bay, và được phát một tấm bằng chứng nhận, vời lời đề rất hài hước: “Đã bay qua đỉnh Everest ngày…”.

    [​IMG]
    Quảng cáo các ấn phẩm về Everest là phần không thể thiếu trên các chuyến bay du lịch.

    “Người vá trời lấp bể/Kẻ đắp lũy xây thành/Ta chỉ là chiếc lá”, thế nên có những kỳ nhân như một phụ nữ Nhật Bản leo Everest vài lần, và chinh phục cả 7 đỉnh núi cao nhất các lục địa, cũng có những người hài lòng với niềm vui bé mọn (như tôi), là được tận mắt nhìn thấy những đỉnh cao trên dãy Himalaya, dù chỉ là trong một chuyến bay kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Nhìn thấy những đỉnh cao, cũng như một thứ động lực lớn lao rồi.

    Cứ những hiện thực nho nhỏ để nuôi những ước mơ dài vậy.

    Theo Zing News​
     

Chia sẻ trang này