Được ví như là một “Sapa thu nhỏ” - Bình Liêu hiện đang được các bạn trẻ mê mẩn chinh phục nhất hiện nay. Cùng duli.vn theo chân các phượt thủ khám phá cung đường phượt tuyệt đẹp ở biên giới phía Bắc này nhé. Là một huyện nghèo miền núi phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu cách Hà Nội khoảng 270 km. Nơi đây có khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp được mê hoặc bởi những cung đường uốn lượn qua núi đồi xanh ngát hùng vĩ. Cung đường uốn lượn tuyệt đẹp ở Bình Liêu. Phượt thủ đến Bình Liêu nếu đi xe máy sẽ đi theo lộ trình Hà Nội - Quốc lộ 1 - Quốc lộ 18 - Quế Võ (Bắc Ninh) - Phả Lại - Sao Đỏ - Đông Triều (Quảng Ninh) - Uông Bí - Hạ Long - Cầu Bãi Cháy - Cẩm Phả - Cửa Ông - Mông Dương - Tiên Yên - Ngã 3 Tiên Yên rẽ trái sang Quốc lộ 18C, đi về hướng Hoành Mô thêm chừng 28 km là đến nơi. Nếu bạn đi bằng ôtô, đường đi nhanh và đơn giản hơn nhiều, từ Hà Nội theo cao tốc Hải Phòng mới, rẽ vào Quốc lộ 10 đường đi Thái Bình, tầm 40 km nữa là tới Uông Bí. Cung đường tuần tra biên giới phía tây Bình Liêu sẽ mê hoặc các phượt thủ. Nằm trên độ cao 700 m so với mực nước biển, đường không quá lắt léo khó đi mà còn băng qua núi non trùng điệp, những cánh đồng thơ mộng để bạn chiêm ngưỡng phong cảnh hết sức hữu tình nên thơ. Là vùng biên giới có gần 50 km đường biên giáp với Trung Quốc nên ở Bình Liêu, bạn nên thuê xe máy hoặc đi bộ men theo đường mòn đồi núi để chinh phục các cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Bốn cột mốc chính đừng nên bỏ qua gồm cột mốc 1300, 1302, 1305 và 1327. Sau khoảng một tiếng chạy từ thị trấn Bình Liêu về hướng Hoành Mô trên QL18C, rẽ phải vào bản Ngàn Chuồng rồi rẽ trái theo hướng mốc 61 chừng 8km là đến mốc 1300, 1302. Hoàng hôn tuyệt đẹp trên cung đường biên giới Bình Liêu. Tiếp đó là hành trình chinh phục mốc 1305, cột mốc nằm ở đỉnh núi cao nhất ở huyện Bình Liêu. Từ cột mốc 1302 chạy tiếp 9 km nữa sẽ đến con đường mòn nằm giữa núi mang biệt danh “sống lưng khủng long”. Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, đi trên “sống lưng khủng long” ngập tràn cỏ tranh, bạn cũng được phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu và cảm nhận mình thật nhỏ bé giữa đất trời bao la. Trekking băng qua nơi này trong ít nhất 2 giờ nếu thời tiết tốt, bạn sẽ đến cột mốc 1305. Với cột mốc 1327 thuộc bản Phạt Chỉ xã Đồng Văn, bạn có thể hỏi bộ đội biên phòng để nắm rõ lộ trình hơn. Trên đường đến cột mốc 1327, bạn sẽ đi qua thêm nhiều cột mốc khác. "Sống lưng khủng long” hút hồn biết bao phượt thủ. Bình Liêu mở ra không gian tươi đẹp với những thửa ruộng bậc thang, những mảng xanh bạt ngàn ngào ngạt hương thơm của rừng hồi, keo, quế, những nếp nhà cũ kỹ mang nhịp sống đơn sơ yên bình, những dòng nước trong róc rách chảy. Mỗi mùa, nơi đây có một điểm lý thú riêng thu hút du khách. Chẳng hạn như mùa xuân, khách du lịch sẽ có dịp tham gia các lễ hội đặc sắc như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng Cọ giao duyên, ngày “kiêng gió”. Mùa hè và mùa thu, thác nước cuồn cuộn trong khi ruộng bậc thang xanh mướt mắt. Cuối năm là mùa thu hoạch và dịp lễ hội hoa sở, lễ mừng cơm mới. Đến đây, bạn còn có thể thử cảm giác săn mây trên núi Cao Ly, chinh phục đỉnh Quảng Nam Châu, Cao Xiêm hay ghé thăm đình Lục Nà thờ Thành Hoàng làng cùng những anh hùng cách mạng để nghe sự tích cây tre mọc ngược và chiêm ngưỡng ngôi đình đậm nét cổ kính với 5 gian, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Ngoài ra, từ thị trấn Bình Liêu hỏi đường vào xã Húc Động để đến Thác Khe Vằn, bạn sẽ được ngắm ba tầng thác tuyệt đẹp ở nơi từng là chốn hẹn hò của trai gái Sán Chỉ. Thác Khe Vằn. Không những vậy, Bình Liêu là nơi cư trú của các dân tộc Tày, Dao, Sán chỉ, Kinh, Hoa nên có nét văn hóa đặc sắc và đa dạng. Những phiên chợ vùng cao rực rỡ sắc màu của các trang phục thổ cẩm, nơi bạn dễ dàng tìm thấy những đặc sản độc đáo để mang về làm quà như chuối, măng, mật ong rừng nguyên chất. Bạn cũng nhớ đừng bỏ qua các món ngon đặc trưng của vùng này như xôi 7 màu, bánh cooc mò, bánh gật gù, bánh ngải, miến dong, cá suối nướng, măng rừng xào... Theo Ngoisao