Xung quanh phương án thí điểm cho phép các loại ôtô con dưới 9 chỗ của các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc nhập cảnh và du lịch vào Việt Nam đang khiến nhiều doanh nghiệp du lịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định cho phép triển khai phương án thí điểm quản lý xe du lịch tự lái hoạt động qua lại giữa TP Móng Cái và TP Đông Hưng (Trung Quốc) qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Thời gian thí điểm từ ngày 1/10/2016 đến 11/1/2017. Lãnh đạo nhiều công ty du lịch băn khoăn liệu cơ quan quản lý có kiểm soát được xe du lịch Trung Quốc chỉ ra vào các khu vực cho phép, số lượng xe và chất lượng tour? Du khách Trung Quốc tại Nha Trang . Theo phương án này, khách du lịch Trung Quốc được ở lại không quá 3 ngày/lần cấp phép. Phạm vi xe du lịch được di chuyển là TP Móng Cái (không vượt quá Trạm kiểm soát liên hợp Km15, bến tàu Dân Tiến, xe không được hoạt động trên tuyến quốc lộ 18C (thuộc vàng đai biên giới) và các khu vực quân sự). Doanh nghiệp (DN) được cấp phép hoạt động thí điểm này là Công ty CP Du lịch và dịch vụ Hồng Gai, sẽ quản lý khai thác hoạt động xe du lịch tự lái qua lại giữa TP Móng Cái và Đông Hưng. DN lữ hành ngoài việc khai thác dịch vụ, làm thủ tục cho các đoàn khách đi xe du lịch tự lái xuất cảnh du lịch còn phải nhận bàn giao danh sách đoàn khách từ đơn vị đối tác, quản lý du khách trong thời gian nhập cảnh du lịch. Mỗi ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép tối thiểu 5 xe và tối đa không quá 20 xe mỗi đoàn/lần. Trong thời gian nhập cảnh du lịch, tổng lượng xe của Trung Quốc tại Việt Nam không quá 100 xe/ngày và xong các đợt xe mới được quyền cấp phép xe đợt sau. Đơn vị lữ hành phải ký hợp đồng trọn gói theo phương thức du lịch với đối tác trong tổ chức cho đoàn khách du lịch sử dụng ôtô du lịch tự lái, xuất và nhập cảnh vào Việt Nam. Các xe phải có logo hoặc cờ biểu tượng của đơn vị lữ hành, mẫu logo đăng ký với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) để thống nhất quản lý… Đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GTVT, cho biết tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Chính phủ cho phép cá nhân người Trung Quốc và Việt Nam được lái ôtô 9 chỗ trở xuống qua lại hai TP để phát triển du lịch, giao thương. Chính phủ đã chấp thuận đề nghị này và Bộ GTVT cũng đã có hướng dẫn. “Việc các xe cá nhân tự lái vào lãnh thổ Việt Nam dựa trên các hiệp định đã ký giữa hai nước. Các xe này phải được tổ chức theo đoàn và tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. Tỉnh Quảng Ninh cho thí điểm quản lý xe du lịch tự lái hoạt động qua lại giữa TP Móng Cái và TP Đông Hưng qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái nhưng chỉ vào 15 km” - vị đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GTVT cho hay. Cũng theo Bộ GTVT, hiện Việt Nam cho phép các phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào du lịch gồm Lào, Campuchia, Thái Lan. Trước đó hồi tháng 1, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thí điểm hoạt động xe ô tô du lịch tự lái giữa 2 TP Móng Cái và TP Đông Hưng (Trung Quốc) qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Thời gian thí điểm một năm. Hết hạn thí điểm, UBND tỉnh Quảng Ninh tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Quảng Ninh xây dựng phương án triển khai cụ thể và chịu trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động này nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn giao thông tại địa phương. Dù mới là phương án thí điểm và chỉ áp dụng giữa cửa khẩu Móng Cái của Quảng Ninh và khách Trung Quốc thuê xe tự lái qua Việt Nam du lịch thường là phân khúc khách có tiền nhưng lãnh đạo nhiều công ty du lịch vẫn băn khoăn. Ông Trương Đức Hải, Tổng giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, phân tích du lịch theo đoàn xe ô tô tự lái (caravan) thường là để du khách trải nghiệm tay lái nên nếu chỉ cho phép chạy trong giới hạn ngắn du khách sẽ không mặn mà. Trong khi đó, đoàn xe caravan chạy thường rất khó kiểm soát, việc thí điểm cho khách Trung Quốc tự lái ô tô giữa TP Móng Cái và TP Đông Hưng thì cần kiểm soát của cả cơ quan quản lý và hãng lữ hành từ đầu. Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Ngôi sao biển, phân tích khi cho phép du khách Trung Quốc tự lái xe vào Việt Nam, số lượng du khách sẽ tăng nhưng chất lượng có tăng và ngành du lịch có hưởng lợi không? “Nếu đoàn khách Trung Quốc đi bằng xe của họ, sử dụng dịch vụ ít hơn thì du lịch Việt Nam sẽ không được hưởng lợi nhiều, chưa nói đến những hệ lụy về mặt quản lý vốn đã có nhiều mệt mỏi do khách Trung Quốc. Nay có thêm phương tiện xe tự lái Trung Quốc sẽ có thêm những hệ lụy khác không chỉ về mặt du lịch mà còn giao thông, văn hóa ứng xử… trong khi công tác quản lý nhà nước hiện nay chưa theo kịp” - ông Sơn nhận xét. Liên quan đến chất lượng tour, giá tour, có một thực tế ban đầu khách Trung Quốc vào Việt Nam du lịch giá tour khá cao nhưng sau đó DN du lịch nội địa cạnh tranh, chủ động hạ giá và cuối cùng phá giá, phục vụ khách Trung Quốc với mức giá thấp. Do đó, ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, cho rằng làm sao quản lý các đơn vị lữ hành, kiểm tra được giá tour và chống phá giá để ngành du lịch nội địa thực sự hưởng lợi. “Thời gian qua, nhiều hãng lữ hành nội địa rất lao đao vì bị cạnh tranh với khách Trung Quốc, không đặt được phòng nhất là mùa cao điểm. Các điểm Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, vịnh Hạ Long… dù công ty du lịch trong nước đặt giá cao hơn nhưng cũng không có phòng vì khách Trung Quốc đi số lượng đông nên thường bao trọn gói. Vô hình trung khách nội địa không có chỗ chơi, chỗ ở. Nay, thêm khách Trung Quốc vào du lịch bằng xe ô tô tự lái càng khó cho du lịch nội địa, chưa kể hạ tầng giao thông, đường xá chật hẹp và các cơ sở hạ tầng về du lịch cũng chưa đáp ứng tốt” - ông Dũng băn khoăn. Gần 2 triệu lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam Theo Tổng cục du lịch, trong tháng 9 có hơn 235.000 lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, nâng tổng số lượt khách từ thị trường này đến nước ta trong 9 tháng đầu năm lên hơn 1,98 triệu lượt, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc hiện là thị trường có lượng du khách lớn nhất đến Việt Nam, chiếm tới 27,5% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo Zing