Cầu treo Kon Klor từ lâu đã trở thành biểu tượng truyền thống của người dân Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1994, cầu treo Kon Klor đã chứng kiến biết bao thăng trầm của người dân Kon Tum. Không chỉ là một nét đẹp riêng, cầu treo Kon Klor như một người bạn thân thuộc đối với những ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kon Tum này. Được mệnh danh là chiếc cầu treo to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên, nối hai bờ sông chảy ngược huyền thoại Đăk Bla. Chiếc cầu với màu vàng cam nổi bật cùng dáng hình vững chãi đã trở thành điểm đến yêu thích của các du khách khi đặt chân đến với mảnh đất Kon Tum này. Cầu treo Kon klor nhìn từ chân cầu. Đứng trên cầu, chúng ta có thể ngắm nhìn những nương dâu xanh rì, những mảnh đồi nhấp nhô hay những em nhỏ đang nô đùa bên đàn bò của mình. Có lẽ những hình ảnh ấy đã quá đỗi thân thương với nhạc sĩ Lê Minh Thế đến nỗi ông đã gửi gắm tình yêu đối với chiếc cầu thân thuộc này vào trong ca khúc “Chiều trên cầu treo Kon Klor”: “Chiều qua cầu treo Kon Klor, bỗng thương một vùng quê nhỏ, cầu nối đôi bờ tuổi thơ, thôi buồn chi nhé con đò. Chiều trên bến sông Kon Klor, có con diều dăng cánh gió, bến sông cầu giăng bóng nhỏ, lòng ta chợt thoáng giấc mơ. Chiều lên bến sông Kon Klor, khúc ca trên cầu treo đó, xin hát thay câu hẹn hò…” Sinh ra và lớn lên tại đây nên dường như cầu treo Kon Klor đã vô thức ghi dấu vào những cột mốc quan trọng của cuộc đời tác giả, chính điều nãy đã giúp ông viết nên khúc ca dạt dào tình cảm đến vậy. Trong mắt những người yêu mến mảnh đất này và đặc biệt là chiếc cầu Kon Klor thì chiếc cầu to lớn này lại hiện ra như một “dải lụa” vàng óng hiền hòa, âu yếm, đưa người qua sông “dữ” Đắk Bla rồi lại dang tay đón họ về sau một ngày lao động vất vả. Đầu cầu treo Kon Klor với biển tên được đóng trên một trụ cầu. Đến với “dải lụa” Kon Klor này, du khách còn có cơ hội được ngắm nhìn và tham quan nhà rông Kon Klor – một trong những nhà rông lớn nhất, đẹp nhất, công phu nhất khu vực Tây Nguyên. Không những vậy, du khách còn được tham gia vào các lễ hội của làng Kon K’tu, cùng với họ uống chum rượu cần, nhảy múa quanh đống lửa và nghe kể Khan của người dân tộc Bah Nar. Nếu đã đến với Kon Tum thì bạn hãy thử một lần đặt chân đến với cầu treo Kon Klor, bạn sẽ được chiêm ngưỡng thành phố này qua một lăng kính rất khác, rất tự nhiên, hiền hòa và vô cùng thân thuộc. Ảnh: internet Bích Nga.