Giá trị văn hóa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi Anh Đức, 31/8/16.

  1. Anh Đức

    Anh Đức Level 3

    Bài viết:
    148
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    31
    Giữa sự hùng vĩ của núi đồi, khe thác là những thửa ruộng mềm mại và duyên dáng, những triền ruộng uốn lượn ẩn hiện trong sương hay những khu ruộng mênh mông trải rộng xa tít tắp, những khu ruộng đồ sộ cao hàng trăm bậc, lại có cả những thửa ruộng chỉ bé như một cái lòng chảo hay hẹp tới mức nhiều khi không quá một đường cày…

    Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì – Hà Giang nằm trên địa bàn 6 xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên. Đây là những xã có danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang tiêu biểu, được đánh giá vào loại đẹp nhất Việt Nam với lịch sử hàng trăm năm, do sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, cần mẫn của đồng bào dân tộc: Dao Đỏ, Nùng, La Chí đã tạc nên một kiệt tác ruộng bậc thang.

    [​IMG]
    Sự kỳ vĩ của ruộng bậc thang đã mang lại một bức tranh thiên nhiên hết sức đặc biệt ở Hoàng Su Phì. Ảnh tư liệu.

    Sự mênh mông đến ngút tầm mắt của những thửa ruộng bậc thang đã tạo nên vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa hùng vĩ cho núi đồi của một huyện xa xôi phía Bắc của Tổ quốc. Đồng bào nơi đây làm ruộng bậc thang vốn dĩ chỉ là cách mưu sinh, là sự sáng tạo trong việc đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, chính sự sáng tạo đó đã tạo nên những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, một bức tranh khổng lồ treo trên những sườn đồi.

    Để tạo được những triền ruộng với hàng chục, vài chục bậc thang không phải là công việc của một năm hay vài năm mà là cả một quá trình lâu dài từ đời này qua đời khác. Ruộng bậc thang đối với đồng bào là phương thức sáng tạo, là loại hình trung gian kết hợp giữa canh tác nương rẫy và canh tác trên ruộng nước. Sự có mặt của ruộng bậc thang đã góp phần hạn chế việc chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, ổn định cuộc sống, xóa bỏ hình thức du canh, du cư. Đối với đồng bào dân tộc, ruộng bậc thang còn là tiêu chí để cha mẹ tìm nơi chọn vợ, gả chồng cho con cái bởi trên khía cạnh vật chất, nhà nào có nhiều ruộng thì cuộc sống sẽ ổn định hơn nhà có ít hoặc không có ruộng.

    Không những vậy, sự ra đời của phương thức canh tác ruộng bậc thang đã tạo ra những giá trị to lớn đối với sự phát triển kinh tế của vùng đất này. Cách đây vài trăm năm và cho đến ngày nay, trong tay người nông dân không có các thiết bị đo đạc hoặc những máy móc dù thô sơ nhất. Trong tay họ chỉ có chiếc cuốc bướm, xà beng, dao, cày, bừa là những loại công cụ tự tạo. Nhưng từng thế hệ nối tiếp nhau đã biết tạo ra nguồn nước từ khe suối, tích trữ nước từ những cơn mưa rồi dẫn theo mương máng quanh co, men theo sườn đồi về biến những núi dốc cheo leo thành những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ. Có những thửa ruộng đồ sộ với hàng trăm bậc cao ngút tầm mắt tựa như những nấc thang dẫn lối lên thiên đình trong nhưng câu chuyện cổ tích xa xưa, lại có những quả đồi được tạo vuông vắn mà trông xa tưởng như những tòa “kim tự tháp” bậc thang.

    Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không chỉ tạo nên vẻ đẹp cảnh quan, tạo nên cái danh thắng đặc trưng của tộc người mà đằng sau cái hoành tráng ta cảm nhận được bằng mắt ấy ẩn chứa những giá trị của văn hóa truyền thống, của lịch sử tộc người nơi đây. Giá trị văn hóa thể hiện ở chính những kinh nghiệm trong quá trình canh tác ruộng bậc thang, những tập quán sản xuất của từng dân tộc. Cũng là canh tác trên ruộng bậc thang nhưng không phải cách làm của dân tộc nào cũng giống nhau, sử dụng những công cụ lao động cũng có sự khác biệt. Trong canh tác ở những thửa ruộng bậc thang, nếu như người La Chí, người Nùng không dùng bồ làm vật kéo và có tập quán “ruộng đâu nhà đấy” thì người Dao Đỏ lại thường làm ruộng xa nhà và khi cấy lúa họ đi tiến về phía trước chứ không đi giật lùi như cách cấy của các dân tộc khác. Bên cạnh đó, liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp mà cụ thể là canh tác trên ruộng bậc thang ở mỗi dân tộc lại có những tập tục, tín ngưỡng thờ cúng khác nhau. Những nghi thức cúng bái cầu mùa, cầu mưa hay mừng cơm mới…chứa đựng trong nó đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc ở đây. Từ những phương thức canh tác, nền văn hóa khác nhau của từng dân tộc mà ở mỗi nơi ta sẽ có những cảm nhận khác nhau khi đứng ngắm những cánh đồng bậc thang ở Hoàng Su Phì.

    Với lịch sử hàng trăm năm của các tộc người, nhiều công trình nghiên cứu về sự ra đời, phát triển của các dân tộc nơi đây đều nhắc đến sự hiện diện của ruộng bậc thang. Về thăm Bản Phùng, địa bàn cư trú lâu đời của đông đảo người dân La Chí, chúng ta bắt gặp toàn bộ diện tích đất trồng lúa đều là ruộng bậc thang, ruộng có khi nằm cheo leo trên lưng chừng núi, có khi nối liền từ đỉnh núi xuống tận khe suối với độ cao hàng trăm mét. Người La Chí đã biến mọi loại địa hình đồi núi thành ruộng bậc thang và những cánh đồng bậc thang nơi đây được du khách đánh giá là một trong những danh thắng bậc thang đẹp nhất Việt Nam. Ruộng bậc thang là loại hình canh tác mang đặc trưng riêng của cư dân khu vực Đông Nam Á, việc khai phá ruộng bậc thang là một công việc lâu dài, có tính truyền đời. Bởi vậy, sự tồn tại của ruộng bậc thang là minh chứng rõ ràng nhất cho sự định cư lâu đời của đồng bào các dân tộc trên vùng đất này.

    Về Hoàng Su Phì nhiều lần và mỗi lần đi qua, lòng chúng ta lại thêm một lần cảm nhận riêng bởi mỗi dáng núi, dáng sông nơi đây đã góp phần tạo nên một bức họa đồng quê tuyệt đẹp giữa núi rừng với đầy đủ các nét vẽ chấm phá. Danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không chỉ tuyệt đẹp khi mùa lúa chín mà hình ảnh những thửa ruộng vào vụ cấy loang loáng nước hay người nông dân mệt mài với đường cày... cũng đủ làm say lòng người.

    Theo Pháp Luật Xã Hội​
     

Chia sẻ trang này