Môn thể thao leo núi trong nhà du nhập vào nước ta khoảng hơn 10 năm qua và đã nhanh chóng phát triển và trở thành thú chơi hấp dẫn giới trẻ hiện nay. Chinh phục đỉnh núi cũng là một cách thử thách bản thân - Ảnh: Đ.N.T Mạo hiểm nhưng an toàn tuyệt đối “Khi nhìn ngọn núi nhân tạo cao 16 m, tôi tưởng chừng không dám leo lên bởi chứng sợ độ cao của mình. Nhưng trước những lời động viên của bạn bè, tôi nhắm mắt leo lên và khi lên đến đỉnh, cảm giác thích thú đã khiến tôi bắt đầu đam mê bộ môn này”, anh Nguyễn Minh Hiếu nhà ở Q.4 (TP.HCM) đã chia sẻ cảm xúc của một người mới chơi. Còn người mẫu, diễn viên Diệp Lâm Anh, một tín đồ của bộ môn này khẳng định: “Khi tập leo núi, ngoài sự hào hứng, Lâm Anh còn cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Chỉ cần hai lần chinh phục đỉnh trong một buổi tập đã khiến Lâm Anh đổ rất nhiều mồ hôi, bằng cả mấy tiếng tập nhảy”. Leo núi trong nhà cũng đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật và đam mê. Muốn chinh phục được độ cao của ngọn núi giả này, người chơi sẽ được trang bị đầy đủ vật dụng bảo hộ cần thiết như đai đeo, dây và giày chuyên dụng. Các HLV sẽ chỉ dẫn cách bám vào đá, bám vào dây, kỹ thuật đu dây từ trên cao xuống và một vài động tác khởi động làm nóng người, cách phòng tránh chấn thương trong khi leo. HLV Nguyễn Đức Thành của Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng cho biết: “Thoạt nhìn đây là một môn thể thao rất mạo hiểm nhưng thực tế nó an toàn tuyệt đối cho người chơi. Tuy nhiên với những người chơi mới thì cần khởi động kỹ trước khi leo, bởi đây là môn chơi đòi hỏi sự vận động rất nhiều, có thể dễ dẫn đến bong gân hay trật tay chân”. Càng lên cao càng đòi hỏi ý chí Điểm đặc biệt của môn thể thao này chính là núi có 8 cấp độ từ dễ đến khó khiến người chơi luôn cảm thấy thích thú, không nhàm chán. Người chơi phải tự tăng “đẳng cấp” cho mình qua từng giai đoạn thử thách, phải biết cách chinh phục từ đoạn bằng phẳng cho đến những đoạn mấp mô, gồ ghề, thậm chí có đoạn tường nhô hẳn ra ngoài buộc khi leo phải ngả người hết cỡ và chỉ có thể sử dụng tay để tiếp tục leo đến đỉnh. Với những người chơi thuần thục hơn, họ chỉ leo lên đỉnh bằng những mấu bám màu sắc cố định. Đây là mức độ khó cho những người chơi phong trào. “Những ai thiếu kiên nhẫn thì chơi vài lần sẽ nản. Tuy nhiên, mỗi cấp độ đều có những khó khăn khác nhau. Càng lên mức độ cao mình phải sử dụng cơ bắp càng nhiều và cả độ khéo léo khi phối hợp cả chân lẫn tay”, Diệp Lâm Anh chia sẻ. Chính sự hấp dẫn, đòi hỏi “máu” chinh phục của môn thể thao này đã thu hút và phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính. HLV Đức Thành cho biết thêm: “Đây là môn thể thao mà trẻ em từ 4 tuổi trở lên đã có thể tham gia, và tôi cũng từng khi thấy một bác ở tuổi 84 vẫn chơi môn này một cách hăng say”. Hiện tại có những CLB leo núi trong nhà như X-Rock Climbing, X-Rock, Push Rock Climbing... với giá vé khoảng 150.000 đồng cho 1 giờ chơi. Bên cạnh những lợi ích về sức khỏe như đốt cháy mỡ thừa, săn chắc cơ bắp, tăng sức mạnh cơ thể và sự dẻo dai, chơi leo núi còn mang đến những trải nghiệm thú vị khi thử thách bản thân bằng nghị lực, ý chí và quyết tâm chinh phục độ cao. Theo Thanh Niên