Mùa thu, nghe nhạc Lộc Vàng ven hồ Tây

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi ThuNga2768987, 1/10/16.

  1. ThuNga2768987

    ThuNga2768987 Level 1

    Bài viết:
    3
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    11
    Mùa thu, ngồi nghe Lộc 'Vàng' hát đã trở thành một thứ đặc sản của người Hà Nội tinh tế và rất sang trọng, hào hoa.

    Ở con đường ven Hồ Tây, mạn Trích Sài, có một quán cà phê mộc mạc mang tên Lộc Vàng. Nơi đây, hàng đêm cất lên những tình khúc tiền chiến ngọt ngào của Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Từ Công Phụng… qua giọng ca của Lộc Vàng, một con người đã đau đớn, bầm dập vì nhạc vàng.

    [​IMG]
    Một buổi biểu diễn tại quán.
    Người chủ quán tên là Lộc, Nguyễn Văn Lộc, nhưng người ta thường gọi ông là Lộc "Vàng", do ông chỉ hát thứ âm nhạc một thời bị gọi một cách đầy khinh bỉ là “nhạc vàng” bởi tính chất trữ tình, luôn khiến trái tim người nghe rung động vì những tình cảm thương yêu.

    Lộc "Vàng" là một người đàn ông nhỏ bé, giọng nói nhỏ nhẹ, luôn có cảm giác “bề dưới” khi nói chuyện với người đối thoại nhưng lại sở hữu một giọng hát mượt mà, truyền cảm, đẹp đẽ như những ca từ mà ông hát từng đêm: “Em mong chờ mùa thu, trời đất như ngả màu xanh lơ…” trong ca khúcThu quyến rũ của Đoàn Chuẩn.

    Ông Lộc là trai Hà Nội chuẩn chỉnh, mang trong mình cái chất phiêu lãng, tài tử, đầy nhạy cảm và tinh tế của một tâm hồn nghệ sĩ. Sinh năm 1945, cái năm Ất Dậu xảy ra nạn đói khiến 2 triệu đồng bào chết đói, không hiểu có phải vì thế mà số phận của ông Lộc cứ mãi lận đận đến tận bây giờ hay không.

    Bố của Lộc 'Vàng' là một người yêu đàn ca tài từ, nên từ nhỏ, cậu con trai đã được nghe những bản nhạc dân tộc như tuồng, chèo, cải lương rồi cả dòng nhạc vàng, rồi từ đó lời ca tiếng nhạc ngấm vào cậu lúc nào không hay. Và rồi đến một ngày, định mệnh đã sắp đặt những thanh niên có tâm hồn mơ mộng, yêu thích âm nhạc gặp nhau. Lộc "Vàng" gặp Nguyễn Văn Toán (guitar) cùng với Nguyễn Văn Thành (accordion). Họ đã tụ họp để cùng nhau hát lên những khúc ca trữ tình nổi tiếng trước năm 1945.

    Giọng ca ngọt ngào của Lộc đã đem đến nghệ danh Lộc "Vàng” cho ông để thể hiện sự yêu mến giọng ca và dòng nhạc ông mê đắm. Nhưng đó cũng là cây thánh giá chuộc tội mà định mệnh muốn ông phải trả giá. Vàng trong nghệ danh Lộc "Vàng" ngụ ý về một dòng nhạc được chắt lọc, thứ nhạc tinh túy, quý giá như vàng 10 của những nhạc sĩ tài hoa nhất nhì lịch sử âm nhạc Việt Nam với những ca khúc vượt năm tháng như: Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Tình nghệ sĩ, Buồn tàn thu, Sơn nữ ca, Gửi người em gái… Nhưng kháng chiến chống Mỹ với rất nhiều nguyên tắc đã khiến việc ca hát thứ âm nhạc tiền chiến đó không được chấp nhận. Nhóm của Lộc buộc phải hoạt động âm thầm, đóng cửa hát cho nhau nghe để thỏa nỗi thèm khát.

    [​IMG]
    Lộc "Vàng" vẫn hát những ca khúc ông đam mê.

    Thế nhưng, tai bay vạ gió từ việc hát nhạc vàng đẩy nhóm Lộc "Vàng" vào một “đoạn trường tân thanh” thảm khốc. Thời điểm đó, cả nước cần những sản phẩm tinh thần hun đúc ý chí để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ làm sao có thể chấp nhận được một nhóm luôn tụ tập hát những ca khúc lãng mạn…

    Ngày 27/3/1968, nhóm của Lộc đã bị công an gọi lên điều tra xét hỏi và phải ra tòa. Lộc "Vàng" trải qua 2.000 lần “đi cung”, và kết cục nhận án tù giam 10 năm, cộng thêm 4 năm quản thúc. Nhờ Hiệp định Paris năm 1973, Lộc "Vàng" được giảm án trước thời hạn và tới ngày 26/3/1976, ông được ra tù. Khi về đến Hà Nội, Lộc không thể tin nổi khi thấy những ca khúc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn được phát trên hệ thống phát thanh, những ca khúc khiến ông phải đi tù 8 năm.

    Sau bao trái ngang, mối tình của Lộc "Vàng" với nhạc tiền chiến vẫn không phôi pha, mà ngày càng thắm thiết. Ông đã đã kinh qua bao nhiêu nghề nghiệp để mưu sinh, nhưng rồi, chất vàng của nhạc tiền chiến vẫn bám riết lấy ông.

    Sau án tù là cuộc sống đầy biến cố. Đã có lúc, ông phải bươn bả kiếm tiền để nuôi mẹ vợ bị què chân, vợ ốm liệt giường, 2 con thơ dại suốt hơn 10 năm ròng. Nước mắt đã bao lần tuôn trên khuôn mặt khắc khổ của ông, và chỉ có nhạc vàng nhẹ nhàng thấm từng giọt lệ, giúp ông tìm lại chút an yên.

    Không chỉ xoa dịu nỗi đau, nhạc vàng còn giúp ông kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Đến giờ, ông vẫn nhớ cảnh người vợ trong cơn hấp hối mà ông vẫn phải lao mình đi hát để kiếm chút tiền mua thuốc cho vợ tại một quán cà phê. Vừa hát, ông vừa nuốt nước mắt không biết vợ ở nhà hiện ra sao.

    [​IMG]
    Không gian đơn sơ của quán Lộc Vàng.

    Giờ đây, khi con cái đã phương trưởng, những khó khăn đã qua đi, Lộc "Vàng" vẫn hát nhưng không phải để mưu sinh mà là để sống trọn với niềm đam mê. Quán cà phê Lộc Vàng trên đường ven Hồ Tây là nơi hàng nghìn người mê nhạc tiền chiến đã đến để nghe ông hát. Cố nhạc sĩ Phạm Duy khi còn sống cũng dăm ba bận ghé quán cà phê Lộc Vàng để đắm mình với lời ca réo rắt của dòng nhạc đã gắn bó với Phạm Duy trọn đời.

    Quán nhỏ đó đã trở thành thánh đường của những thính giả, khán giả mê nhạc trữ tình nhưng rất đỗi bình dị. Chỉ cần gọi một ly cà phê giá chừng 50.000 đồng là đã được sống trọn vẹn một buổi tối diễm lệ cùng sắc thu vàng, cùng bướm mây, cùng giai nhân tuyệt sắc phấp phới khăn san…

    Mùa thu, ngồi nghe Lộc "Vàng" hát đã trở thành một thứ đặc sản của người Hà Nội tinh tế và rất mực sang trọng, hào hoa!

    Theo Ngôi Sao
     

Chia sẻ trang này