Người Khasi ở Ấn Độ truyền họ, tài sản, đất đai cho phụ nữ. Vậy nên nếu gia đình nào không sinh được con gái sẽ bị coi là tuyệt hậu. Trong rừng rậm xanh tươi của miền Đông Bắc Ấn Độ, sát biên giới Bangladesh, một ngôi làng nhỏ tồn tại với trật tự xã hội lạ lùng. Làng Mawlynnong là nơi sinh sống của khoảng 500 thành viên bộ tộc Khasi. Họ vẫn theo truyền thống mẫu hệ cổ xưa tới thời nay. Tên họ, tiền bạc, tài sản và quyền lực được truyền từ mẹ sang con gái. Đây là nơi phụ nữ đứng đầu gia đình. Con gái là người kế thừa tên họ, của cải trong gia đình. Ảnh: Karolin Klüppel. Karolin Klüppel, nhiếp ảnh gia người Đức, đã dành 2 năm sống với nhiều gia đình Khasi trong ngôi làng sạch sẽ, bình yên và tĩnh lặng này. Theo văn hóa của người Khasi, con gái út (được gọi là “khadduh”) thừa kế tài sản, chồng ở rể và con cái theo họ mẹ. Các bé gái học trường làng tới năm 11-12 tuổi rồi tới thành phố để học tiếp. Sau đó, họ vào đại học hoặc trở về Mawlynnong chăm sóc bố mẹ. Các cô gái được quyền cưới bất cứ ai họ chọn. Việc ly hôn hay sống độc thân cũng không gây khó khăn gì cho họ. Tuy nhiên, việc không có con gái gây ra nhiều rắc rối. Chỉ con gái mới đảm bảo được sự tiếp nối của dòng họ, do đó những gia đình chỉ sinh con trai sẽ “ïap-duh”, có nghĩa là “biến mất”. Nữ giới là trung tâm mọi hoạt động, nghi lễ. Ảnh: Bedandchai. Valentina Pakyntein , nhà nhân loại học thuộc đại học North-Eastern Hill, cho biết những tục lệ này đã tồn tại từ thời thượng cổ. Tục này có thể là từ khi người Khasi còn theo tục chung vợ chung chồng, khiến việc xác minh bố mẹ trở nên khó khăn. Một giả thuyết khác là nam giới phải ra trận, không thể chăm sóc cho dòng họ và gia đình. Ngày nay, nam giới lãnh đạo hội đồng làng Mawlynnong, nhưng họ gần như không sở hữu tài sản. Klüppel cho biết một số người thấy bất mãn và đang yêu cầu bình đẳng giới. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia thấy bất ngờ trước “sự tôn trọng nam giới dành cho phụ nữ” và “muốn mọi người biết về một nền văn hóa khác biệt với thế giới theo phụ hệ”. Theo Zing News