Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - VN diễn ra từ 29.9 - 2.10 tại Hà Nội sẽ có khu vực ẩm thực giới thiệu bánh mì Việt, phở và các món ngon khác của Huế. Bán bánh mỳ trên sông ở Việt Nam. “Chúng tôi muốn giới thiệu bánh mì, một món ngon được nhiều người biết đến”, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết. Hiện tại, Sở vẫn tiếp tục nhận đăng ký của các cửa hàng bánh mì muốn giới thiệu sản phẩm ở liên hoan. Đây là lần đầu tiên Sở Du lịch Hà Nội quảng bá bánh mì Việt trong một liên hoan du lịch do Sở tổ chức. Món ngon được Việt hóa Là chủ nhà hàng Ánh Tuyết chuyên món Hà Nội xưa nổi tiếng trên phố Mã Mây, bà Tuyết cũng đã đưa bánh mì vào thực đơn của nhà hàng mình. “Ở nhà hàng của tôi khách có thể ăn bánh mì kiểu Hà Nội với nhân đặc trưng Hà Nội. Mọi thứ đều làm từ pa tê, thịt heo hay cá hộp, gà nướng”, bà nói. Ông Dương Văn Phương, Phó chủ tịch Hội Đầu bếp Hoàng gia, cho rằng việc giới thiệu bánh mì Việt trong các chương trình ẩm thực là rất nên, rất hợp lý. “Đành rằng bánh mì do người Pháp mang đến VN nhưng đã Việt hóa rồi. Đó cũng là món ăn quen thuộc với đời sống mà người Việt ăn hằng ngày. Người nước ngoài sang đây thích bánh mì lắm. Cứ nhìn mật độ hàng bánh mì thì biết. Trong khi các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản quảng bá món ăn đường phố rất mạnh thì mình chưa làm gì cả. Bây giờ nên quảng bá cho bánh mì”, ông Phương chia sẻ. Bánh mì kẹp thịt , món ăn quen thuộc của người Việt. Đồng quan điểm, bà Phan Anh, một người giảng dạy và nghiên cứu ẩm thực, cho rằng phải coi bánh mì là một món Việt, đã được thuần Việt rồi. “Ngay cả phở chẳng hạn, chúng ta vẫn coi đó là món truyền thống Việt nhưng cũng chỉ mới xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ 20 thôi. Thời điểm ấy bánh mì thậm chí còn có trước cả phở. Bánh mì khi sang VN đã trở thành món Việt và độc đáo vô cùng so với bánh baguette (bánh mì que - PV) của Pháp”, bà Phan Anh nói và nhận định: “Không lý do gì mình từ chối một món ăn đã được Việt hóa, nhiều người biết đến và giờ lại còn được yêu chuộng trên thế giới. Nên sử dụng món ăn đó để quảng bá ẩm thực, du lịch VN. Quan trọng là trong đó có dấu ấn của dân tộc. Như món gà xào phô mai của Hàn Quốc chẳng hạn, hoàn toàn không phải là món truyền thống. Trước đây người Hàn chỉ có món gà hầm. Gà xào phô mai là xào gà với bắp cải nhưng trên đó có rất nhiều phô mai, chỉ xuất hiện từ năm 1990. Bây giờ đi đến đâu người ta cũng nói, ăn món này thì đến Hàn Quốc. Đó cũng là cách người Hàn làm dày thêm vốn văn hóa cha ông để lại”. Du khách Pháp thưởng thức món bánh mì Việt. Phá thế lối mòn quảng bá ẩm thực Việt Không phải ngẫu nhiên bánh mì được chọn để quảng bá rộng rãi. Thực tế, món ăn này từng “hút hồn” nhiều du khách khi đến VN. Năm 2013 tạp chí National Geographic (Mỹ) cũng đưa bánh mì kẹp thịt của VN vào danh sách các món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới. Đến tháng 8.2014, tờ The Huffington Post (Mỹ) bình chọn bánh mì VN là một trong 5 loại bánh mì ngon nhất thế giới đồng thời là thức ăn châu Á được thực khách nước ngoài ưa thích nhất, đặc biệt là du khách Mỹ. 4 loại còn lại là bánh mì Ý, bánh mì nướng Pháp, bánh mì Brazil và bánh mì Hy Lạp. Tháng 1.2015, The Huffington Post tiếp tục đưa bánh mì VN vào danh sách 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Tờ này còn liệt kê rất nhiều nhà hàng, cửa hàng bánh mì VN nổi tiếng trên thế giới hiện nay như: Banh Mi Saigon ở New York, Bun Mee ở San Francisco (Mỹ); Kêu Bánh Mi Deli, Chao Viet Urban Taste, Bánh mì Hoi-An và Banh Mi Bay ở London (Anh) hay ở Singapore là Bánh Mì 888... Tháng 10.2014, trên chuyên trang du lịch của BBC (Anh), phóng viên David Farley đã ca ngợi bánh mì kẹp của VN là món ăn “kỳ diệu”. Bài viết có tựa đề: Bánh mì kẹp VN ngon nhất thế giới? (Is the banh mi the world’s best sandwich?) trong đó David nói anh đã thưởng thức 15 hương vị khác nhau của món bánh mì kẹp trên khắp 3 miền của VN trong suốt 2 tuần và anh “cảm thấy thật may mắn vì tất cả những chiếc bánh được thưởng thức đều có hương vị ngon nhất từ trước tới nay”. Theo David, mặc dù bánh mì kẹp xuất hiện từ thời Pháp thuộc nhưng lại được cải tiến theo một công thức riêng đậm chất Việt, kết hợp giữa thịt lợn, pa tê, cà rốt, rau thơm, dưa chuột... Bà Nguyễn Thanh Thủy, người nhiều năm phụ trách marketing của khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội, nhìn nhận: “Nhắc đến ẩm thực VN, người ta thường nhớ đến hương vị nồng nàn của phở hay mùi thơm phức của đĩa nem rán vàng rộm. Nhiều sự kiện quảng bá văn hóa của ta đã đi theo lối mòn này. Thực ra, ẩm thực VN phong phú nhiều hơn thế. Cùng với sự phát triển của lối sống đô thị hóa, chiếc bánh mì kẹp đã âm thầm mà lặng lẽ đi vào ẩm thực đường phố, trở thành món ăn được giới trẻ ngày càng hâm mộ bởi tính bình dân, tiện dụng và phản ánh sự hội nhập của ẩm thực VN với thế giới”. Cũng theo bà Thủy, nếu việc quảng bá bài bản, hiệu quả thì chính bánh mì Việt sẽ góp phần thu hút du khách đến với mảnh đất hình chữ S. Theo Thanh niên