Đường sắt, hàng không và các hãng lữ hành liên kết giúp du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch mới, nhưng để thành “đặc sản” hút khách trong và ngoài nước còn là chặng đường dài. Theo nhiều chuyên gia du lịch, không chỉ đường sắt, hàng không, hãng lữ hành mà còn cần sự vào cuộc của các đơn vị cung ứng dịch vụ và cả sự hỗ trợ của những địa phương nơi tuyến tour đi qua. Nếu không, sản phẩm du lịch này khó có sự đột phá. Cạnh tranh kém Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Vietnam Airlines, Hiệp hội Du lịch TP.HCM và Hiệp hội Du lịch Hà Nội vừa ký thỏa thuận hợp tác trong chương trình du lịch nội địa kết hợp đường sắt và hàng không, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với các tỉnh phía Bắc, quảng bá các điểm đến trong nước. Tour du lịch đường sắt vẫn còn nhiều việc phải làm để thu hút du khách. Ảnh: Tấn Thạnh. Theo thỏa thuận hợp tác giữa các bên, từ tháng 9/2016-10/2017, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Vietnam Airlines khu vực phía Nam và các công ty lữ hành là hội viên của 2 hiệp hội du lịch Hà Nội và TP.HCM sẽ liên kết, hợp tác để triển khai chương trình kích cầu du lịch bằng đường sắt và đường hàng không. Mức giá ưu đãi sẽ do đường sắt và hàng không đưa ra tùy từng thời điểm để thu hút du khách. Cụ thể, đường sắt sẽ chuẩn bị các điều kiện về tiện nghi trên tàu như số ghế trên toa, số giường nằm trong một khoang, Wi-Fi, nhà vệ sinh sạch sẽ và ăn uống bảo đảm… tùy theo yêu cầu của khách và khả năng đáp ứng tối đa của đơn vị này. Đơn vị đường sắt và hàng không cũng sẽ giảm giá vé kết hợp với các dịch vụ giảm giá khác của công ty lữ hành để có tour du lịch tàu hỏa cạnh tranh với các phương tiện khác. Để triển khai chương trình hiệu quả, Hiệp hội Du lịch TP.HCM sẽ làm việc với các hiệp hội, sở du lịch ở các địa phương nhằm có mức giá giảm những dịch vụ du lịch kết hợp với giá ưu đãi của đường sắt, hàng không tạo thành sản phẩm có sức hút và cạnh tranh. Các công ty lữ hành tham gia chương trình sẽ xây dựng tour trọn gói kích cầu, công bố tỷ lệ giảm giá so với mức giá thông thường để chào bán cho du khách… Đây không phải lần đầu ngành du lịch “bắt tay” với đường sắt làm du lịch. Năm ngoái, Công ty TNHH Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng hợp tác với Hiệp hội Du lịch TP phát triển du lịch tuyến từ TP.HCM ra các tỉnh miền Trung nhưng lượng khách chưa như kỳ vọng. Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông và tiếp thị Công ty Du lịch Fiditour, cho rằng tour du lịch đường sắt, tuyến xuyên các tỉnh miền Trung và nay dự kiến mở rộng thêm các tuyến miền Bắc là một ý tưởng hay bởi với địa hình đa dạng của Việt Nam, tour sẽ xuyên qua các vùng từ đồng bằng, trung du đến vùng núi, hòa cùng những không gian văn hóa đặc trưng giữa các vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, để kích cầu tiêu dùng, công tác quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến với khách hàng là rất quan trọng nhưng có vẻ sản phẩm tour đường sắt còn bị hạn chế ở khâu này. “Sản phẩm du lịch này phải khiến du khách cảm nhận được nét độc đáo và tiện ích, cạnh tranh của sản phẩm so với các tour nội địa di chuyển bằng ô tô hoặc máy bay”, bà Thu nhận xét. Còn ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Phòng Marketing Công ty Du lịch TST, cho rằng vấn đề cốt lõi trong việc tour đường sắt kém cạnh tranh là do không rút ngắn thời gian di chuyển và đáp ứng được yêu cầu sức khỏe của du khách. Do đó, giữa các chọn lựa khi di chuyển trên đoạn đường dài, hàng không khứ hồi vẫn là ưu tiên vì thời gian di chuyển nhanh, sức khỏe bảo đảm và vé hàng không trong nước cũng có nhiều cơ hội mua được giá tốt. Khó có giá tour hấp dẫn Là doanh nghiệp vừa trực tiếp tham gia tour khảo sát bằng đường sắt từ TP.HCM đi Tây Bắc (đi tàu hỏa, về máy bay), ông Trương Đức Hải, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, nhìn nhận du lịch bằng đường sắt là trải nghiệm thú vị cho những du khách có thời gian. Lợi thế lớn nhất của đường sắt so với các phương tiện khác là an toàn nhưng lại tốn nhiều thời gian, trong khi giá vé thấp hơn máy bay chẳng đáng là bao. Chưa kể, theo nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hậu cần của ngành đường sắt hiện nay cần phải cải thiện và đột phá rất nhiều mới mong thu hút khách du lịch. Như tour đường sắt từ TP.HCM đến Hà Nội, tàu thường đến ga Hà Nội vào khoảng 4-5h. Với thời gian này, lữ hành sẽ phải thuê khách sạn cho du khách nghỉ chờ đến sáng, vô hình trung khiến giá vé tour bị đội lên cao. Trong khi đó, nếu dịch vụ hậu cần của đường sắt tốt, có khu vực cho du khách nghỉ ngơi, ăn uống, vệ sinh hoặc uống cà phê ăn sáng trong khoảng 2-3 tiếng sẽ giải quyết được khó khăn này. Với kinh nghiệm triển khai tour đường sắt cho du khách từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho biết rất khó có sản phẩm du lịch đột phá nếu các bên tham gia không thật sự vào cuộc. Ngay với hàng không, các hãng thường bán vé theo gói trước đó vài tháng mới được giá tốt, trong khi khách mua tour thường chỉ đặt trước vài ngày khiến lữ hành có nguy cơ bị lỗ. Các đơn vị cung ứng dịch vụ như khách sạn, nhà hàng… cũng chỉ ưu đãi giá cho công ty du lịch vào ngày đầu tuần, mùa thấp điểm, trong khi nhu cầu của du khách đi tour thường cuối tuần, dịp lễ, Tết nên gần như giá không giảm bao nhiêu. Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, ý tưởng kết hợp đường sắt và hàng không rất thú vị khi du khách vừa khám phá những điểm đến trên cung đường sắt đi qua vừa bảo đảm sức khỏe cho khách hàng. Nhưng nhu cầu của khách hàng khá đa dạng (bao gồm du lịch, thăm thân, về quê) nên họ vẫn muốn có sự chủ động cao hơn là đi theo kế hoạch định sẵn. Để sản phẩm du lịch này thật sự hấp dẫn cần chương trình quảng bá rộng khắp, mở rộng kênh bán và nắm bắt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách. Bà Trần Thị Bảo Thu nhìn nhận: “Vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng dịch vụ và khâu quảng bá sản phẩm để dòng sản phẩm độc đáo này đến khách hàng nội địa và quốc tế. Câu chuyện này cần được nối dài thêm sự gắn kết và vai trò của các đơn vị lữ hành trong kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường sắt”. Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Ngôi Sao Biển: Cần sự “bắt tay” của các địa phương Để tour đường sắt trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách, theo tôi điều cần phải quan tâm là bản thân các địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua, dừng chân cũng phải thật sự “ngồi lại” với ngành du lịch để có sự hỗ trợ, đem lại giá tour tốt cho du khách. Bởi muốn tour đường sắt được du khách biết đến cần sự quảng bá rộng rãi nhưng nếu các hãng lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ… không thấy họ được lợi khi khai thác tour này, họ sẽ không mặn mà tham gia. Liên kết chưa tốt vốn là điểm yếu của các doanh nghiệp du lịch lâu nay và đừng để tour này chỉ được giới thiệu như một “tiếng trống lạc lõng”. Ông Trương Đức Hải, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông: Nên tập trung quảng bá cho khách quốc tế Hiện tuyến đường sắt du lịch hút khách nhất là các tuyến ngắn từ TP.HCM đi Nha Trang, Quy Nhơn hay Hà Nội - Sa Pa… Kinh nghiệm cho thấy các tour du lịch bằng đường sắt khoảng 4 ngày là thành công nhất, do đặc thù loại hình du lịch này có phân khúc khá hẹp và thường theo mùa nên không phải cứ quảng bá là bán tour được. Các công ty du lịch có thể tập trung vào phân khúc khách quốc tế đến Việt Nam để đem lại trải nghiệm thú vị. Muốn vậy, tour đường sắt phải được các hãng lữ hành quốc tế biết đến, quảng bá và bán cho du khách. Quá trình này thường mất khoảng 2 năm nên để phát triển tour du lịch này không đơn giản, cần sự nỗ lực rất lớn của các bên tham gia. Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ: Phải trở thành sản phẩm tour thật sự Tour đường sắt muốn thành công phải trở thành một tour du lịch thật sự, được các hãng lữ hành mở bán thường xuyên đến du khách. Muốn vậy, các hãng lữ hành phải thật sự ngồi lại với nhau, cùng quảng bá, bán chung một tour để có sản phẩm tốt, giá tốt cho du khách mới đem lại hiệu quả. Còn như hiện nay, ngay cả tuyến đường sắt du lịch từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung đã triển khai được gần một năm nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc có khách mới bán, hiệu quả không cao. L.Anh ghi Theo Zing