Nhà nguyện dòng Franciscaines trên đường Hùng Vương đã bị bỏ hoang vài thập kỷ. Lớp bụi thời gian bao phủ trên những ô cửa kính vỡ vụn, hành lang u tối đầy cỏ dại. Không phải những con đường quanh co bên những rừng thông cao vút, không phải sắc màu rực rỡ của hàng nghìn loại hoa..., Đà Lạt quyến rũ tôi bởi lối kiến trúc tuyệt đẹp với những biệt thự, nhà thờ cổ kính. Một bài báo vô tình đưa tôi đến đây - nhà nguyện dòng Franciscaines trên đường Hùng Vương đã bị bỏ hoang vài thập kỷ. Lớp trầm tích của thời gian với mái ngói phủ rêu, những dãy hành lang âm u, lối đi mọc đầy cỏ dại... đã khiến nơi này được phủ lên sắc màu cổ kính. Nhà nguyện nằm trên một quả đồi nhỏ, bao bọc bởi trong hàng thông xanh mướt. Lối kiến trúc xưa cũ khiến những người đến đây ngỡ như đang lạc vào thời Trung cổ. Tượng Đức Mẹ phía bên hông nhà nguyện. Nơi đây đã bị bỏ hoang nhưng người dân vẫn đến đặt hoa tươi dưới bức tượng này. Nhà nguyện nằm trong khuôn viên trường trung học Trần Phú cũ, nên người dân nơi đây vẫn gọi nơi đây với cái tên chung chung như vậy. Cựu học sinh Trần Phú từng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện kỳ bí. Kể từ khi nhà nguyện đóng cửa, nơi đây trở nên u tối. Người Đà Lạt truyền tai nhau về câu chuyện bi thảm của một cô gái trẻ trong trang phục cô dâu đã kết thúc cuộc đời mình tại đây. Từ đó người ta càng ít lui tới. Giống như đồi thông hai mộ, Đà Lạt luôn là mảnh đất mộng mơ cho những chuyện tình buồn. Gạt câu chuyện đó sang một bên, nơi đây vẫn có sức hút kỳ lạ với những kẻ hoài cổ bởi lối kiến trúc cổ kính, độc đáo. Nhà nguyện có kiến trúc kết hợp giữa phương Tây và phương Đông. Hệ thống mái ngói kiểu phương Đông được kéo suốt từ gác chuông qua mái vòm tới các không gian chính và phụ. Những ô cửa sổ và cửa chính mang đậm bóng dáng kiến trúc Gothic đặc trưng của phương Tây với mái vòm. Cửa chính vẫn giữ được kiến trúc nguyên vẹn. Ta có thể gặp cấu trúc tương tự ở các nhà thờ trên cả nước. Kiến trúc của nhà nguyện dòng Franciscaines cũng như các công trình kiến trúc khác tại Đà Lạt đều có nét chung là đường nét thiết kế hài hòa vào với khung cảnh thiên nhiên, tạo vẻ đẹp trọn vẹn. Người dân địa phương kể lại rằng nơi đây trước là nhà dòng, sau đó trở thành khách sạn Lâm Viên, rồi trường chuyên Thăng Long, sau này là trường trung học Trần Phú. Đến bây giờ, nơi đây thuộc sự quản lý của Đại học Kiến trúc, nhưng trường chưa sửa chữa và đưa vào sử dụng, để lớp bụi thời gian tiếp tục bao phủ những ô cửa kính vỡ vụn theo thời gian, hành lang u tối đầy cỏ dại... Thảo Nhi. Ảnh: Thành Đạt